Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Không còn lạm phát, nên vui hay buồn?

 

Tổng cục Thống kê vừa phát đi một thông tin khiến nhiều người mừng nhưng cũng vô số người khác băn khoăn, lo lắng. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 lại tiếp tục “âm” 0,29% lần thứ 2 liên tiếp sau cả một thời gian dài chỉ biết có tăng. Lần thứ 2 trong hàng chục tháng trời, người ta nhắc đến một cụm từ rất đáng để suy nghĩ: Giảm phát!

CPI “âm” dù sao cũng là điều mừng. Nhưng người mừng, đương nhiên và trước hết là các nhà quản lý. Sau cả mấy năm trời liên tục đứt hơi “bám đuôi hít khói” với chỉ số lạm phát leo thang, thậm chí có những lúc tới con số hàng chục phần trăm, nay bỗng dưng chỉ số này liên tục “tụt huyết áp”, ai mà chả thích? Thích nữa là, nhà quản lý có thể hãnh diện ngẩng cao đầu để tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng: “Với rất nhiều biện pháp tích cực, mạnh mẽ và quyết liệt, chúng tôi đã hạ nhiệt được cơn điên giá cả”. Dẫu đúng, dẫu sai đó cũng là thực tế đang hiển hiện.

Còn người băn khoăn là ai? Không ai khác là lực lượng sản xuất, hệ thống doanh nghiệp và những người lao động đang ngày đêm vắt sức “nuôi sống nền kinh tế” và hàng triệu người dân khác. Nếu nhìn vào tỷ lệ giảm của những nhóm ngành hàng thiết yếu trong rổ hàng hóa được đưa ra tính giá cả có thể thấy, những thứ giảm mạnh vẫn là những thứ sát sườn với đời sống xã hội. Các phân tích về việc giảm cũng cho thấy rất cụ thể: “Mặt hàng lương thực giảm giá mạnh do tác động của khó khăn trong khâu xuất khẩu gạo, lượng hàng tồn trong nước dâng cao khiến giá cả liên tục đi xuống”. Hoặc nữa, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng… cũng tiếp tục đà giảm do những khó khăn của thị trường bất động sản đóng băng, của tình hình tín dụng thắt chặt, v.v.

Nhà quản lý vui, người dân cũng vui. Tuy nhiên, mỗi người một cách vui riêng. Với người dân, cái vui trước mắt là họ đỡ phải lo giá cả tiến vùn vụt từng ngày mà túi tiền thì gần như giẫm chân tại chỗ. Thế nhưng, họ cũng băn khoăn, thậm chí là buồn phiền, bởi, giá cả có thể giảm, nhưng thu nhập của họ cũng giảm, thậm chí là còn trượt giảm hơn rất nhiều so với… giá. Thì cứ nghĩ mà xem, một đất nước với gần 70% dân cư sống nhờ vào nông nghiệp, khi hàng tồn, thực phẩm ế, gạo rớt giá thì ai có thể vui đây, ai có thể “sống khỏe” đây? Còn nữa, với các lĩnh vực khác, giảm phát đồng nghĩa với việc sản xuất đình đốn, kinh doanh thua lỗ, nợ nần gia tăng và một hệ lụy không thể tránh khỏi luôn đi kèm: Thất nghiệp tràn lan.

Mỗi một “tế bào xã hội”, nếu phải gánh thêm một người thất nghiệp hoặc nhẹ nhàng hơn là giảm mạnh thu nhập vì hàng hóa tồn đọng, kinh doanh thua lỗ, nợ nần gia tăng… thử hỏi có thể trang trải cuộc sống cách nào? Thế thì, họ sẽ vui hay buồn? Giá cả giảm nhưng đồng tiền làm ra ít ỏi hơn, khan hiếm hơn, sức mua yếu ớt, mức sống đi xuống thì nên buồn hay vui?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét